Review sách Chú Bé mang Pyjama sọc
Mình là một người yêu sách nhưng không phải là kiểu có thể đọc ngấu nghiến bất cứ cuốn sách nào mình có, thế nhưng Chú bé mang Pyjama sọc của John Boyne lại là cuốn sách đầu tiên đã khiến mình không thể nào đặt xuống được.
Mình đã đọc nó chỉ trong vòng một ngày của tháng 5 năm 2019, cũng gần hai năm rồi nhưng nó vẫn là cuốn sách khiến mình vô cùng day dứt và thú thật mình cảm thấy thật khó khăn để lựa chọn từ ngữ trong cái vốn từ ít ỏi của mình để viết về nó.
Một câu chuyện nói về chiến tranh với cách kể hoàn toàn khác với những gì người ta hay làm.
Bắt đầu từ tên của cuốn sách, tác giả gọi tên “bộ đồ ấy” là Pyjama sọc, một ý nghĩa ẩn dụ đầy xót xa, thêm vào đó là minh họa ở bìa sách, nó cũng đủ để người ta nói về nhiều điều, một hàng rào dây thép gai – biểu tượng của những trại tập trung trong nạn diệt chủng Do Thái, một chiếc máy bay giấy màu vàng – hình ảnh biểu tượng của Bruno, con trai của Ngài Chỉ Huy trực tiếp dưới quyền của Hitler , một chiếc máy bay giấy kẻ sọc – hình ảnh biểu tượng của Shmuel, một cậu bé Do Thái mặc bộ đồ pyjama kẻ sọc sống phía bên trong hàng rào, hai cậu bé là hai người bạn, mình cứ nghĩ cho dù chúng là bạn thì chúng vẫn mãi là hai đứa trẻ ở hai thế giới khác nhau, thế nhưng cuối cùng lại chung một số phận.
Từ ngữ trong sách được viết một cách rất lành mạnh, có thể là do truyện kể dưới góc nhìn của một cậu bé chín tuổi nên nó vô cùng đơn giản không cầu kỳ và nặng nề như những cuốn sách viết về chiến tranh khác. Cũng vì truyện được kể dưới góc nhìn của một cậu bé 9 tuổi nên chiến tranh nó hiện lên ở một góc độ khác, không bắn giết chết chóc, không đổ máu, không có hy sinh, cũng không có những cuộc chia ly đầy nước mắt, có chăng nó cũng chỉ là khói bốc lên từ phía trại tập trung dưới cái nhìn đầy nghi hoặc của Bruno.
Cái kết của truyện Chú bé mang Pyjama sọc, mình đánh giá đó là một cái kết tàn nhẫn, dùng chuyện vô tình xảy ra với Bruno chủ đích nói về tội ác của cha cậu và nạn diệt chủng là quá tàn nhẫn. Kết truyện không làm mình khóc nhưng mình ước rằng mình đã khóc, khóc thỏa sức như khi đọc Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán có thể đã khiến sự day dứt trong lòng mình vơi đi nhưng ở đây, nỗi đau được đẩy lên chỉ chờ bật ra, nhưng nó không bật ra được, nó dồn lại ở trong lồng ngực của bạn, khiến bạn chỉ có thể mang cái nỗi đau đó mãi.
Những gì diễn ra sau khi cửa phòng hơi ngạt đóng lại cùng cái nắm tay giữa Bruno và Shmuel mình không còn nhớ nữa, nhưng mình lại nhớ rất rõ về Gretel, chị gái của Bruno.
“Gretel trở về Berlin cùng mẹ và đã dành rất nhiều thời gian nằm khóc một mình trong phòng, không phải vì cô đã vứt hết búp bê đi cũng không phải vì cô đã để lại toàn bộ số bản đồ của mình tại Ao Tuýt mà vì cô nhớ Bruno vô cùng.”