Không thuần túy giản điệu, lại không quá ngột ngạc trong mớ bòng bong của những triết lý sâu xa, chất văn nửa bình dị, nửa cao siêu ấy đã phần nào gom góp tạo nên hào quang ảnh hưởng trong văn chương Thomas Mann. Phần lớn, Thomas Mann ứng dụng những câu văn dài ngoằn, kèm theo đó là những hình tượng sinh động lẫn các chi tiết được ông mô tả tỉ mỉ đến mức đáng kinh ngạc. Đọc văn của Thomas Mann, ta nhận ra ở ông cái khao khát muốn lột trần sự vật dưới lăng kính huyền tục, bằng một thứ ánh sáng trong veo mà mãnh liệt, chân thực, gần như không bị vẫn đục trong màu sắc ảo huyền của tôn giáo hay những chủ thể bí hiểm thuộc phạm trù tâm linh. Từng lời văn của ông phát ra như một tia sáng rọi xuyên qua mọi bình diện của một chi tiết, để rồi phơi trần nó ra ở cả chiều sâu và rộng, tựa như cách làm muôn đời của các nhà hội họa theo trường phải lập thể bị ám ảnh bởi cách thể hiện mọi bình diện của vật thể lên một diện tích trình bày của họ, tới mức làm cho vật thể trong tranh hiện ra với hình thù quái gở, kỳ dị và như thế, đòi hỏi người thưởng lãm phải duy lý nhiều hơn là đặt cảm xúc vào đó để cảm nhận. Cùng hiểu theo nghĩa nghệ thuật, nhưng chất liệu văn chương của Thomas Mann không toát lên nét quái dị và khó thẩm thấu như các đường nét trong kiệt tác hội họa của Picasso hay Braque, ngược lại, câu văn của ông tuy dông dài nhưng thẳng thắn, đi sâu một mạch tới cốt lõi ý nghĩa của vấn đề chứ không úp mở trừu tượng và bóng gió sâu xa, cũng như ông không đòi hỏi tư duy uyên bác của người đọc như những cao nhân lập thể đã làm cho tranh vẽ của họ.
Việc ông nắn nót, lý giải cặn kẽ bất kỳ một diễn tiến nào trong mạch chuyện cũng dễ đem lại cho ta cảm tưởng rằng bản chất con người ông toát lên nét tính cách của một nhà giải phẫu học hơn là một nhà viết văn và việc ông tận dụng ngòi bút của mình một cách kỳ khôi chắc có lẽ cũng tương đồng như cách ông cầm cái dao chuyên dụng để mổ xẻ thân thể và tâm hồn con người, phanh phui tất tần tật mọi thứ trên đời cho đến khi chúng trần trụi phanh thây ra trước nhãn quan của người đọc thì mới hả dạ. Chính cái khát khao muốn vạch rõ ra từng nét phát họa sắc sảo lên từng vật từng việc ấy đã tạo nên cái chất văn và phong vị văn chương rất riêng của một Thomas Mann uyên thâm, không thể lầm lẫn vào đâu được trên văn đàn thế giới, hoặc giả có bị hòa trộn vào một đoạn văn của ai khác thì ta vẫn cứ gọi là bóc đầu ra đúng cái câu cú của ông đã bị lẫn lộn.

Thi thoảng, ông cũng không từ một thủ đoạn nào để liên hệ lại một vài đặc tính lý thú và những quan sát ngộ nghĩnh mang tính cách tiếu lâm mà ông đã tài tình gán cứng vào một số nhân vật cả chính lẫn phản diện bằng những biệt hiệu rất kêu và giàu hình tượng, đó là cái biệt tài nhận xét tế vi và năng lực quan sát cực kỳ xét nét của ông như thể cặp mắt của ông sinh ra là để bóc trần mọi sinh vật – những số phận hẩm hiu đã xúi quẩy lọt vào cặp đồng tử diều hâu sắc béng của ông. Và mỗi lúc được dịp lôi các nhân vật ấy ngược trở ra trong đoạn văn – nghĩa là phơi bày chúng dưới ánh sáng văn chương một lần nữa – ông tỏ ra mình chẳng phải là một kẻ hẹp hòi ích kỷ, ngược lại, vô cùng hào phóng, phun ra hàng tràn những cái biệt hiệu giàu vẻ sinh động ấy không những một, mà vô kể lần. Ông dụng tâm nhắc nhớ lại cho thật cặn kẽ để độc giả cùng ông ôn lại cái đặc điểm kỳ thú pha lẫn chút hài hước châm biếm, có lẽ ông xem đó như một hoạt động giải trí trong lúc viết văn cũng nên.
Mỗi nhân vật cứ như thể đều sống rất thật và vận động không ngơi nghỉ trong thế giới văn chương của ông, và chính cái thế giới ấy, không biết là từ đâu chui ra: từ đầu óc ham tưởng tượng hay từ một phần nhỏ của quá khứ xa lắc xa lơ, lại cho ta cái cảm tưởng như nó y chang cái thế giới thực tại nơi chúng ta đang trải đời. Đôi lúc men theo mạch chuyện mà tâm thần ta đã hòa nhập vào trong cái thế giới tiểu thuyết ấy tự lúc nào, một nơi tuy xa lạ mà thân thuộc qua từng hình ảnh phác họa sống động bởi lời văn không cần kiệm từ Thomas Mann, có thể cho ta quan sát tất thẩy những người thật việc thật vẫn ngày ngày diễn ra thường lệ theo lời ông kể. Có thể nói văn phong của ông chân thật tới độ như ngoi lên từ long mạch đời sống và cho ta cái cảm tưởng chính cái đời sống đó hoàn toàn không phải do tưởng tượng viễn vông tựu thành, cũng không phải là một trích dẫn, một chiết xuất từ một kinh nghiệm trong quá khứ, mà hiển nhiên là một thành quả, hoặc nói khác đi, là một sản phẩm sinh ra từ bào thai đời sống, là một sinh linh của hiện thực nhưng lại ở một phương trời xa xôi cách trở mà tác giả là một nhân chứng sống trong cái khoảng đời sống xa lạ đó và về đây mà thuật lại sự thật cho toàn thể độc giả.
Tác phẩm Núi Thần là một áng văn đồ sộ của Thomas Mann, có thể hiểu theo nghĩa đen là sách vừa to vừa dày: với tất thẩy hai tập và mỗi tập dày đâu đó bảy trăm trang giấy, hoặc cũng có thể hiểu theo hướng thành công vang dội của Núi Thần như một hiện tượng văn học Đức, và đã nghiễm nhiên vượt qua rào cản thời gian để trở thành một trong những tác phẩm văn chương kinh điển và đáng đọc nhất mọi thời đại. Nếu xét theo khía cạnh trực quan, độ dày cọp của hai tập sách đã minh chứng rõ ràng nhất cho lời tôi nói ở trên về tính cách dài dòng trong văn chương của Thomas Mann, và độ dài là một hệ quả hiển nhiên của cái bản tính chu toàn và tần mẩn như một nhà giải phẩu học, kết hợp cùng cái hăng tiết cuồng nhiệt quá hạn độ của một tay săn vàng lão luyện trong những cuộc đào xới tìm kiếm chất liệu kho tàng văn chương. Trong cái lớp đất đá ấy từ thổ địa của đời sống mà ông đã vun xới lên, người đọc đã thu thập được biết bao tiểu tiết, của từng nhân vật, hoàn cảnh, diễn biến và từng trạng thái chuyển biến tâm tư của mỗi con người cứ luôn bị lung lay bởi những ảnh hưởng chồng chéo từ chuỗi các sự kiện liên tiếp ập đến đời họ.