Năm ngoái, cuốn sách đồng tác giả có tên “Mù Lòa” đã trở thành Bestbook 2021 của mình bởi sự đặc sắc, tinh tế với một bầu trời ý nghĩa. “Mọi Cái Tên” là cuốn sách tiếp theo của tác giả này mà mình chọn để đọc trong tháng đầu tiên của năm 2022 và em nó đã không làm mình thất vọng.
Có một sự thật khá là buồn, rằng sách của José Saramago tuy hay cực kì, nhưng lại kén người đọc. Nó kén người đọc chứ không khó đọc, bới lối viết khác lạ tất cả: gộp tất cả vào một đoạn văn, đối thoại, nội tâm, tả cảnh, tả vật, hành động, lời nói, suy nghĩ… Tuy rằng lối viết này không mới, dễ gây nản cho người đọc nhưng với mình, mình cảm thấy nó tạo ra một sự liên kết cực kì vững, tăng khả năng tập trung khi đọc vì mình ko dứt được ra cho đến khi chấm hết đoạn (và cũng có lẽ là hết chương), làm một cuốn sách vốn không quá dày nhưng lại chứa được lượng chữ và nội dung rất lớn.

Tác phẩm này vẫn mang đúng chất của José Saramago: lạnh lùng, tinh tế, nhẹ nhàng, nhưng cực sâu và ngầu đét. Câu chuyện với anh nhân vật chính tên Senhor José – một “chàng robot văn phòng” ở Phòng Đăng Kí Trung Ương, làm một công việc đầy tẻ nhạt ngày ngày đều đều với hàng trăm, hàng nghìn mẫu đơn với vô số những cái tên trên đó của những người dân đến Phòng Đăng Kí khai sinh, khai tử. Anh cũng là con người, anh có một niềm vui, một sở thích nho nhỏ là sưu tầm thông tin của tất cả những người nổi tiếng được lên báo. Trong một vài khoảnh khắc vô tình với một sức hút lạ kì bởi một số chuyện khá “Trùng hợp”, “Vô tình”, anh đã đi tìm hiểu về cuộc đời của một người phụ nữ mà anh chỉ biết qua một tờ giấy trong hàng trăm nghìn tờ giấy có ở Phòng Đăng Kí Trung Ương. Senhor José, một chàng trai thực tế, mơ mộng, điềm tĩnh nhưng lại rất nhút nhát. Cũng dễ hiểu bởi anh chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, làm một công việc dập khuôn trong 25 năm. 50 tuổi, không một người thân, không vợ không con, cảm giác cuộc sống của anh quá bí bách ngột ngạt, lại còn cô đơn và cực kì buồn tẻ. Thế nhưng vì người phụ nữ vô danh này, anh đã liều mình, làm những điều mình chưa bao giờ dám nghĩ đến chứ đừng nói là làm. Vì một người anh chưa từng gặp, cô ấy đương nhiên cũng chưa gặp anh, anh đã vượt qua những ranh giới, giả mạo, đột nhập, phạm pháp, chỉ để tìm hiểu bằng được về cuộc đời của cô ấy.
Nghe qua về hành trình của anh Senhor José, ta dường như thấy ông này đúng kiểu rảnh, dở hơi, điên điên, đi làm cái việc chả có mục đich gì. Thế nhưng, nếu nhìn thằng vào sự thật, ta có thể thấy anh dường như đang “chết” trong chính sự “sống” của mình. Và chỉ có liều mình dấn thân vào cuộc hành trình động chạm đến nhiều thứ “chết” này mới là cách để anh “sống”.
Đây là một cuốn sách mang đầy triết lý về sự sống và cái chết của con người. Cái ranh giới mong manh giữa sống và chết ấy được trải dài từ nơi sự sống chính thức được công nhận trên giấy tờ (người ta đến nộp giấy khai sinh ở Phòng Đăng Kí Trung Ương), trong cuộc sống thực tại (những nhân vật mà thần chết đã chọn để mang đi trong sách), cho tới nơi cuối cùng con người ta an nghỉ (Nghĩa Trang – Một kiểu Phòng Đăng Kí Trung Ương thứ 2). Mình thật sự thán phục tác giả bởi những màn độc thoại nội tâm quá chất, độc đáo cực kì và miêu tả tâm lý nhân vật không thể nào chân thực hơn. Ôi chỉ với cái “trần nhà” mà tác giả đã giải quyết được rất nhiều thứ để lột tả tâm tư, suy nghĩ và quá trình sống dậy của nhân vật chính.
Nhìn chung mình thật sự khuyên các bạn nên đọc sách của tác giả này. Một thể loại văn học độc và lạ, một bối cảnh, không khí creepy nhưng rất dễ lay động con người ta (kiểu vừa sợ vừa thích ý J))) ). Một thử thách đọc dạng sách tuy khó hơn nhưng nội dung thì quá hay và đáng suy ngẫm. Đặc biệt là một bầu trời triết lý nhưng cực thấm mà ngầu các bạn ơi. NGẦU NGẦU NGẦU (Điều quan trọng phải nói 3 4 5 lần). Một điều thú vị nho nhỏ, toàn bộ tác phẩm này chỉ có đúng anh ấy là có tên gọi, còn tất cả những nhân vật còn lại được nhắc đến và miêu tả chỉ bằng danh xưng, mình nghĩ rằng đây cũng là một phần ý nghĩ của tên sách.