Mori Ogai (1862-1922) là một bác sĩ quân y, dịch giả, và nhà văn nổi tiếng người Nhật dưới thời Minh Trị. Cùng với Natsume Soseki và Akutagawa Ryunosuke, ông được giới phê bình văn học đánh giá như “một trong ba trụ cột của nền văn học hiện đại Nhật Bản” và là người đã có công khai sáng cho khuynh hướng lãng mạn phương Tây trong văn học cận đại của Nhật.
Sự nghiệp văn chương của Mori Ogai được ghi dấu bởi nhiều truyện ngắn đặc sắc như Nàng vũ công (Maihime, 1890), Mộng tưởng (Moso, 1911), Sanshô – một truyện buôn người (Sansho dayuu, 1915), Thuyền giải tù (Takasebune, 1916). Văn phong của ông nặng triết lí và ưu tư nhưng cũng rất mực dịu dàng và tinh tế. Trong lĩnh vực dịch thuật, Mori Ogai cũng góp công trong việc dịch và giới thiệu các tác phẩm của Goethe, Schiller, Ibsen, Andersen, Hauptmann,…
Tiểu thuyết “Nhạn” (雁 – Gan) được viết vào giai đoạn cuối cùng trong văn nghiệp của Mori Ogai. Sáng tác năm 1911, 11 năm trước khi nhà văn qua đời, “Nhạn” giống như cái ngoảnh đầu nhìn lại những năm tháng tuổi trẻ, và, giống như truyện ngắn “Nàng vũ công” (舞姫 – Maihime, sáng tác năm 1890), nó mang trong mình niềm hoài vọng và tiếc nuối trước những dư ảnh của tình yêu vuột mất và những gì đã bị bỏ lỡ, đã vĩnh viễn mất đi trong cuộc đời.
Tác phẩm xoay quanh diễn biến tâm lý và tình cảm của cô gái nghèo Otama trong mối tình thầm lặng với chàng sinh viên y khoa Okada. Đây là một tiểu thuyết ngắn với kết cấu đơn giản, gồm 24 chương truyện với vỏn vẹn 5 nhân vật. Ngôi kể của truyện có sự biến đổi linh hoạt giữa ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất, khi người kể chuyện xưng “tôi”, nhưng cái tôi này chỉ là một kẻ bên lề, một người ngoài cuộc quan sát và chắp nối những gì đã thấy và những điều được nghe kể lại thành một câu chuyện hoàn chỉnh, như “hai mảnh trái phải của một bức tranh dưới kính thực thể cùng phản chiếu một ảnh tượng”.

Bằng phong thái kể chuyện thong dong và chậm rãi, Mori Ogai dẫn dắt người đọc đi qua những trăn trở, mong chờ, những ngập ngừng và tiếc nuối của một mối tình câm, khi cả hai người đều dành tình cảm cho nhau nhưng không ai đủ dũng khí để nói thành lời. Dẫu là một người đàn ông, Mori Ogai lại tỏ ra đặc biệt tinh tế trong việc khắc hoạ nội tâm các nhân vật nữ. Dưới ngòi bút của ông, tâm tư của người con gái với những nhớ nhung, những suy đoán, những thấp thỏm đợi chờ và cả những nỗi rụt rè băn khoăn của một tình yêu vừa chớm nở hiện lên vừa chân thực vừa sâu sắc. Nếu như đại văn hào Natsume Soseiki nổi tiếng với việc đem tiếng yêu ẩn giấu nơi vẻ đẹp của vầng trăng (*) thì tình yêu trong tác phẩm của Mori Ogai lại ẩn mình sau những hành động tưởng chừng như vụn vặt: đó là cái ngả mũ chào của chàng trai, là chậu nước rửa tay cùng chiếc khăn lau mới được gấp gọn gàng, là màu đỏ lựng trên gương mặt hồng hào của Okada, là cái nhìn hút mắt ẩn chứa niềm tiếc nuối vô hạn của Otama,… Xuyên suốt câu chuyện, chưa một lần Otama và Okada nhắc đến chữ yêu, nhưng tình yêu của Otama dành cho Okada lại hiển hiện trong thoáng ửng hồng trên gương mặt hay nét rạng rỡ trong nụ cười cô đơn của nàng khi thoáng thấy bóng Okada từ khung cửa sổ, hay khi nàng “mang một cây chổi, quét cẩn thận khu vực ngoài cửa sổ vốn không có bụi bặm gì” chỉ để đợi nói một lời cảm ơn, nhưng khi Okada đi ngang qua lại “cứ thế cầm chổi đứng ngây ra, mặt đỏ lựng lên nhưng chưa kịp nói gì thì chàng đã đi mất hút”.
Bên cạnh Otama, Mori Ogai một lần nữa thể hiện sự thấu cảm nội tâm người phụ nữ qua việc miêu tả diễn biến tình cảm của Otsune. Là người vợ chính thức của gã cho vay nặng lãi Suezo, cuộc sống của Otsune chỉ xoay quanh việc cơm nước hàng ngày và chăm lo cho lũ trẻ. Khi biết về quan hệ giữa Suezo và Otama, Otsune bàng hoàng, phẫn uất, muốn phản kháng nhưng cuối cùng đành cam chịu trong uất hận. Cái tinh tế trong ngòi bút Mori Ogai được bộc lộ khi Otsune và Otama lướt ngang qua nhau trên con phố buôn bán sầm uất. Otsune, bằng linh cảm của người phụ nữ, đã sớm nhận ra tình địch của mình, và bao đau đớn, nhịn nhục cùng những ảo tưởng hạnh phúc nhỏ nhoi chợt vỡ vụn ngay khoảnh khắc khi Otsune nhìn thấy chiếc ô kẹp dưới gối Otama. Những tủi hờn và phẫn uất bị dồn nén suốt bao năm nơi người đàn bà quen nhịn nhục chỉ bùng ra thành những giọt nước mắt nghẹn ngào, thành cái nắm tay níu chặt vạt áo của Suezo cùng lời tra hỏi “anh đã đi đâu cho đến giờ này”, thành những câu hỏi “làm thế nào bây giờ”, “cứ thế này thì tương lai của tôi phải làm sao đây” lặp đi lặp lại.
Nhan đề 雁 (Gan – Ngỗng trời), gợi nhắc về một chi tiết ở cuối truyện: cảnh Okada nhặt hòn đá ném vào bầy ngỗng trời đang đứng nghỉ trên mặt ao. Việc Okada đột ngột ra đi để đuổi theo giấc mộng Âu châu phải chăng cũng chính là hòn đá ném chết mối tình thầm lặng của Otama? Và phải chăng thấp thoáng phía sau hình ảnh con ngỗng “đang ngẩng cổ cao bỗng rũ liệt xuống, gục đầu vẫn nguyên chỗ cũ không nhúc nhích” là bóng hình của Okada mỏi mòn trong những trông mong và tuyệt vọng? Mori Ogai không viết tiếp hồi kết cho mối tình của Otama và Okada, có chăng chỉ là tiếng thở dài trầm ngâm khi ngoảnh nhìn về dĩ vãng: “Tôi viết xong chuyện này, ngồi gập ngón tay mà tính thì đã ba mươi lăm năm trôi qua kể từ ngày ấy”
—————-
(*) Câu tỏ tình “kinh điển” của người Nhật 月がきれいですね (Trăng đêm nay đẹp nhỉ) gắn với câu chuyện về nhà văn Natsume Soseiki. Tương truyền, khi còn là giáo viên tiếng Anh, có lần Natsume Soseiki yêu cầu học trò dịch câu “I love you” sang tiếng Nhật. Khi học trò dịch thành “anh yêu em”, ông đã nổi giận và mắng: “Các anh chị có phải là người Nhật không vậy? Người Nhật làm sao có thể thốt ra những thứ trơ trẽn và không biết thẹn như thế! Phải dịch là 月がきれいですね (Trăng đêm nay đẹp nhỉ)