Mình viết bài này trong lúc cuộc chiến tranh giữa Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra vô cùng căng thẳng, dường như thế giới hiện nay, chiến tranh là điều thật dễ dàng. Trong những lúc như này, mình lại tìm đọc các tác phẩm của nhà văn Erich Maria Remarque, một nhà văn viết về chủ đề chiến tranh cực kì hay, cái hay ở những tác phẩm của Remarque chính là sự chân thật đến trần trụi của chiến tranh được ông phơi bày qua từng trang chữ, điều mà ông đã trải nghiệm qua những năm tháng tuổi trẻ trong Thế chiến thứ nhất với nhiệm vụ của một người lính pháo binh Đức. Đó là lúc ông nhận ra, chiến tranh thật là vô nghĩa.
Mình đến với Remarque một cách thật tự nhiên, tác phẩm đầu tiên mình đọc của ông là cuốn “Phía Tây không có gì lạ”, ngay lập tức cuốn sách chưa đầy 300 trang đã khiến mình ấn tượng và khi đọc xong, tâm trạng của mình thật khó tả.
Abraham Lincoln (1809-1865) đã từng nói như thế này: “Khi viên đạn xuyên vào một người Lính , dù thuộc vào bên nào đi nữa, thực ra nó xuyên vào trái tim của một người Mẹ.”
Đúng thật vậy! Chiến tranh là một điều tồi tệ và thực sự vô nghĩa, dù bên nào dành chiến thắng hay thất bại đi nữa thì ở một nơi nào đó sẽ có những người mẹ mất đi người con, những người vợ mất đi người chồng, và những đứa trẻ mất đi người cha. Những con người bình thường chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường lại bị buộc phải lao vào một cuộc chiến mà chẳng phải do họ gây nên. Còn ở “một nơi cao và xa” kia, “những kẻ ngồi trên” trong những căn phòng sang trọng với những trang phục đẹp đẽ đang đại diện cho toàn thể cho cái gọi là Tổ quốc để khơi mào lên những cuộc chiến tranh chỉ vì tham vọng và sự ích kỉ của bản thân. Và thế là những chàng trai tuổi mới đôi mươi vì cái gọi là chủ nghĩa dân tộc, yêu nước lại hiến dâng mình cho cái gọi là nhân danh vì Tổ quốc ấy, chiến tranh hay hòa bình, hàng triệu mạng sống chỉ được quyết định qua một trang giấy và chữ kí của những kẻ chẳng hiểu biết gì về chiến tranh.

Thế chiến thứ nhất đã nổ ra như vậy, những chàng trai trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, tương lai tươi sáng với biết bao ước mơ, dự định muốn thực hiện, bỗng chốc bị dập tắt bởi chiến tranh, họ bị gọi nhập ngũ, huấn luyện và đi thẳng vào cuộc chiến. Ở đây sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến cho con người và tâm hồn của họ bị tàn phá nặng nề. Cái gọi là tuổi trẻ đã trở nên già nua trong chính bản thân mỗi người bởi cái chết đang tiến gần họ hơn bao giờ hết.
” Tuổi trẻ sao? cái đó qua từ lâu rồi. Chúng tôi là những ông già” – Một người lính mười chín tuổi đã nói.
Thật chua xót khi nghe vậy, khi được thốt ra từ một chàng trai trẻ vừa rời khỏi vòng tay mẹ, chuẩn bị bước vào cuộc đời dài phía trước. Nhưng không, ngay lúc này chiến tranh đang ở ngay trước mặt và thần chết đang kề cận họ, để rồi khi họ ngã xuống, cái chết của họ cũng thật chua xót, thật đau đơn, thật khó tả.
“Chúng tôi thấy những người bị mất sọ mà vẫn sống; chúng tôi thấy những anh lính đã bị đạn phạt bay cả hai bàn chân mà vẫn chạy; họ lảo đảo kéo lê những mỏm chân cụt rách đến tận hố đại bác gần đấy; một cậu binh nhất chống hai tay bò lết suốt hai cây số với một bên đầu gối vỡ nát; một cậu khác tự mò đến trạm cứu thương, hai tay ôm chặt đống ruột xổ ra lòng thòng; chúng tôi thấy những người không có mồm, không có hàm dưới, không có mặt; chúng tôi tìm thấy một người lính suốt hai giờ liền dùng răng kẹp chặt động mạch ở cánh tay để khỏi chết vì mất máu; mặt trời lên, đêm xuống, trái phá gầm rít, sự sống kết thúc.”
Có lẽ cái chết đối với những chàng trai ấy chính là sự giải thoát, giải thoát họ khỏi địa ngục của chiến tranh, e rằng họ cũng đã chuẩn bị cho điều ấy, chấp nhận như một sự thỏa hiệp với số phận. Nhưng còn với những người ở lại? Những người mẹ? Những người vợ? Những người con? Họ sẽ cảm thấy ra sao? Khi người đàn ông thân yêu của họ hi sinh cho cái gọi là chiến đấu vì Tổ quốc. Thật sao!!! Vì Tổ quốc sao!!! Vì mảnh đất của chính họ đang bị đe dọa sao!!! Vì gia đình của họ đang gặp nguy hiểm!!! Làm sao một anh nông dân ở nước Pháp lại đe dọa đến ngôi nhà nào, mảnh đất nào của một người nào đó ở nước Đức được chứ. Thật là nực cười phải không các bạn, nhưng đó là bản chất của chiến tranh, một quyết định trên bàn giấy và sự sống của vô số người được định đoạt trên chiến trường, đó chính là sự vô nghĩa của chiến tranh đem lại, không có gì ngoài cái chết của những con người vô tội.
Không gian bắt đầu im bặt, dường như đang nín thở để chờ đợi một sự kết thúc của câu chuyện, cuốn tiểu thuyết đã khép lại trong hoàn cảnh như vậy, im ắng, nhẹ nhàng, lạnh lùng bằng cái chết của một người lính trẻ với gương mặt toát lên vẻ bình thản đến mức có thể nghĩ rằng anh ta hài lòng với một kết cục như vậy.
“Anh ta chết vào tháng Mười năm 1918, trong một ngày khắp mặt trận yên tĩnh và êm đềm đến nỗi bản báo cáo về tình hình chiến sự hôm đó chỉ gói gọn trong một câu: Phía Tây không có gì lạ.”
Vâng đúng vậy, Phía Tây không có gì lạ, chỉ có một người vừa rời khỏi cuộc đời khi độ tuổi mới chớm đôi mươi.