Tựa đề này làm mình rất ấn tượng dù mình chả hiểu nó nghĩa là gì cho đến khi đọc được tích truyện Thiên chúa giáo kể rằng:
“Tương truyền rằng khi Nero ra lệnh truy nã và khủng bố các tín đồ Thiên Chúa, sứ đồ Peter phải rời khỏi Roma để lánh nạn. Trên đường đi, Petet thấy Đức Chúa Jesus Christ hiển hiện, bèn hỏi: “Quo Vadis, Domine?”(Người đi đâu vậy, thưa Đức Chúa?). Chúa đáp: “Khi người rời bỏ dân ta thì ta phải đến Roma để chịu đóng đinh câu rút lần thứ hai. “Sứ đồ Peter tỉnh ngộ, quay trở lại Roma, rồi tử vì đạo cùng các con chiên.”
Nhà văn Henryk Sienkiewicz đã nghe được tích truyện này trong lần ghé thăm một nhà thờ nhỏ mang tên Domine Quo Vadis ở thành Roma và chính nó đã trở thành cảm hứng đầu tiên để ông viết tác phẩm và đặt tên nó là Quo Vadis, tác phẩm giúp ông đạt giải Nobel Văn Học 1905.
Một tựa đề rất hay và ý nghĩa mà dịch giả đã vô cùng hợp lí khi để nguyên tựa đề nguyên tác mà không dịch ra Tiếng Việt.
Mình mới đọc được 200 trang đầu nhưng bắt gặp rất nhiều vị thần được nhắc tên trong các cuộc đối thoại, điều này cũng dễ hiểu vì trong văn hóa người Hy Lạp-La Mã cổ đại họ nói chuyện rất hay thề thốt, so sánh, ví von với các vị thần, đọc cảm thấy khá hay và thú vị như chẳng hạn như
Các câu thề thốt với các vị thần đại diện cho điều họ sẽ nói mang một hàm ý đầy mạnh mẽ, chắc chắn và sự thật.
“Thề có Zeus” – là thần sấm sét được coi là thần của các vị thần trên đỉnh Olympus trong thần thoại Hy Lạp
“Thề trên chiếc khiên của Harekles” – Herakles là một vị thần trong thần thoại Hy Lạp và chính là Hercules trong thần thoại La Mã, vị thần sức mạnh con zai của thần Zeus vĩ đại
“Thề có vầng nguyệt Selene” – Selene trong thần thoại Hy Lạp chính là Luna nữ thần mặt trăng trong thần thoại La Mã
“Thề có ánh sáng của thần Helios – đây là thần mặt trời trong thần thoại Hy Lạp, anh zai của thần mặt trăng Selene
“Cháu xin thề trên những đám bọt nước đã sinh ra nữ thần Aphrodite” -đây là nữ thần trong thần thoại Hy Lạp đại diện cho sắc đẹp và tình dục được sinh ra bởi bộ phận sinh dục của thần Uranus (tổ tông của các vị thần Hy Lạp) và bọt biển Cythera (một vùng biển ở phía nam Hy Lạp)
Hay là những câu nói ẩn dụ liên tưởng thú zị như:
Đoạn này là Peronius (cậu của Vinicius) nói về Vinicius đang điên loạn vì tình yêu với nàng Lygia sắc đẹp tuyệt trần
“Hỡi nữ thần Athena! Xin hãy tháo bỏ cho đứa trẻ này mảnh băng bịt mắt mà thần ái tình Eros đã buộc vào, bằng không nó sẽ bị va vỡ đầu vào cột đền thờ nữ thần Venus mất thôi.” – Trong đó nữ thần Athena là nữ thần trí tuệ trong thần thoại Hy Lạp, Eros là thần tình ái trong thần thoại Hy Lạp và Venus là nữ thần sắc đẹp trong thần thoại La Mã tương đương với nữ thần Aphrodite trong thần thoại Hy Lạp, hàm ý câu này nghĩa là tình yêu đã che mờ đi trí tuệ của Vinicius, nếu không sáng suốt cậu ta sẽ đánh mất mình và sa vào dục vọng sắc đẹp, kiểu kiểu vậy
Hay là đoạn miêu tả nỗi khao khát của Vinicius muốn có được nàng Lygia
” Giá cháu là thần Zeus, cháu sẽ cuộn chặt nàng vào trong mây như thần đã vây bọc nàng Io vậy, hoặc sẽ làm những hạt mưa vàng rơi xuống nàng như thần đã xuống với nàng Danae. Cháu muốn hôn siết môi nàng đến kỳ đau đớn” – thật sự để hiểu được đoạn này bạn phải biết về giai thoại đi tán gái của thần Zeus, mặc dù đã có vợ là nữ thần Hera nhưng ông thần này đã đi ngoại tình rất nhiều, tạo ra các đám mây đen che kín bầu trời để Hera ở trên thiên giới không thấy được ổng đang hẹn hò với nàng Io ở hạ giới nhưng vẫn bị Hera nghi ngờ và bà đã xuống hạ giới tìm Zeus nhưng Zeus đã biết trước và biến nàng Io thành con bò cái trắng, khi Hera tới nơi thì không thấy Io đâu mà chỉ nhìn thấy Zeus đứng cạnh cùng con bò cái trắng ấy và khen con bò cái trắng này mới đẹp làm sao (Io là con gái của thần Sông Inachos, vua của đất Argos trong thần thoại Hy Lạp) hay là biến mình thành các đồng tiền vàng và tạo ra cơn mưa vàng rơi xuống người nàng Danae và làm cho nàng dính bầu.
Đây là một bản dịch được đánh giá chất lượng và 200 trang đầu trải nghiệm mình thấy đúng vậy, tuy nhiên có một số từ mình không đồng tình với dịch giả mấy vì mình cho là không được chính xác trong bối cảnh lịch sử, văn hóa La Mã
Ví dụ như các câu
●”thần Hermes tay cầm phương trượng” đây là một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, thực ra chính xác là thần Hermes tay cầm quyền trượng thiên sứ, phương trượng làm mình nghĩ tới mấy cao tăng ở Thiếu Lâm Tự
●”…ở chốn này bây giờ làm thơ, ca hát, chơi đàn luýt, ngâm xướng hay đua tài ở hý trường đều tốt cả nhưng an toàn hơn là đừng làm thợ, đừng ca hát, đừng chơi đàn và đừng đuổi nhau ở hý trường…” – hý trường ở đây theo mình hiểu là dịch giả dùng để chỉ trường đua ngựa và được lặp lại khá nhiều trong bản dịch, mặc dù không thấy chú thích từ này, nhưng hý trường là một từ hán việt, chính xác là từ để chỉ nơi biểu diễn nhạc kịch, hý kịch thì chuẩn hơn là chỉ trường đua ngựa (chắc nghe tiếng ngựa kêu hý hý nên kêu là hý trường)
●”…một thiếu nữ có gốc gác dã man…”- câu này nói về Lygia (xuất thân là công chúa của một bộ tộc man dã, mọi rợ ở phía Bắc theo cách gọi của La Mã với những bộ tộc phương Bắc) nhưng có thể thay một từ đồng nghĩa dễ hiểu hơn nhưng dịch giả lại chọn từ dã man để nói về gốc gác mình thấy khá tối
●”…đêm qua tôi mơ thấy mình trở thành ni cô giữ đền thần Vesta…”- từ “ni cô” này được lặp khá nhiều trong tác phẩm nhưng mình thấy là khá sai vì nó không liên quan, từ “ni cô” là trong Phật giáo dùng để chỉ những người phụ nữ xuất gia giống như các bà sơ trong nhà thờ Thiên chúa giáo còn các cô gái giữ đến thờ Vesta chính xác là trinh nữ.
Chúng ta không thể nói các “bà sơ giữ chùa ” hay là “các ni cô trong các nhà thờ Thiên chúa” được. Trinh nữ là trinh nữ còn ni cô chưa chắc đã là trinh nữ và người giữ đền thờ thần Vesta chính xác phải là các trinh nữ vì tương truyền rằng nếu các cô gái giữ đền thờ thần Vesta mà mất đi trinh trắng thì sẽ bị thiêu sống.
●”…có lần vị thái thú nọ…” câu này cũng được lặp lại mấy lần nên làm mình chú ý, thực ra ở La Mã không có chức quan thái thú, từ này xuất phát từ một chức quan quản lí một vùng của Trung Quốc. Ở La Mã người ta gọi là thống đốc, một chức quan quản lí một vùng trong lãnh thổ của La Mã…
●”…ba mươi chiến đoàn đang canh giữ cho La Mã thái bình của chúng ta…” – từ chiến đoàn lặp lại khá nhiều nhưng ở thời La Mã chỉ có gọi quân đoàn la mã hay binh đoàn lê dương chứ không có tên gọi đơn vị là chiến đoàn.
● Dịch giả dùng khá nhiều từ xuất xứ Trung Quốc như: Hoàng thượng, mẫu thân, ngọc thể bất an, tửu quán, tuổi hoa niên, Á Châu, Phi Châu… và đâu đó sai 10 từ chính tả cho 200 trang đầu.
Đây chỉ là những lỗi sai nhỏ mà mình nghĩ là sai theo mình nhìn nhận, không ảnh hưởng mấy tới sự trải nghiệm khi đọc, 200 trang đầu đọc vẫn rất uyển chuyển, bay bỗng, câu từ không hề khó hiểu.
