Với sách vở, mình có thói quen trở thành “lệ” thường niên, rằng cứ đến tháng đấy trong năm mình sẽ đọc cuốn này cuốn kia. Dù có năm mình moi moi soạn soạn, đọc được đôi dòng cho đã nư rồi… xếp xó; nhưng phải lục theo con tim mách bảo, bởi khi chúng bên cạnh, mình còn thấy được sự hiện diện của chúng trong căn phòng mang lại cảm giác yên tâm, sợ cảnh muốn kiếm nhưng chả nhớ để đâu, đào mãi đào mãi đến kiệt sức.
Tháng Tư, tháng được nghỉ nhiều sau Tết, mình ưa chọn các cuốn sách nhan đề dính tới tháng Tư đọc, hay tìm mua… sống ảo, dễ dàng liệt kê vài cuốn, như: Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư (Thuận), Thành phố tháng Tư (Nguyễn Nhật Ánh – Lê Thị Kim), Mùa màng tháng Tư (Bùi Giáng), Trời tháng Tư (Phạm Công Thiện),… góp mặt trong “hàng ngũ sách tháng Tư” của mình vài năm trở lại, không thể thiếu NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG TƯ (ICiệt, hay Kiệt).
Mình giãi bày ngay vấn đề gây “nhức nhối” trước nhất ở những dòng đầu giới thiệu, liệu nhan đề cuốn sách lẫn nội dung có nhạy cảm như con chữ toát lên ở bìa sách không? Xin thưa không, đơn giản vụ án bắt đầu từ ngày 8 tháng 4 năm 2014 kéo tới ngày 30 tháng 4.
Mình từng viết bài giới thiệu ngăn ngắn cuốn sách này độ bốn năm về trước, nên bài hôm nay mình xin giản lược tất cả yếu tố liên quan nội dung cuốn sách, thậm chí mình tóm gọn chỉ chừng đôi ba câu. Mục đích mình viết bài này là gì? Chê. Đơn giản thế thôi.
.
Hồi còn chân ướt chân ráo tập tành đọc một ít truyện trinh thám, mình mạnh dạn cho NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG TƯ 7.25/ 10 điểm. Dẫu mình chê lên bờ xuống ruộng, chẳng rõ ma đưa lối quỉ dẫn đường ra sao mình mạnh tay hạ phím cho điểm tương đối nhỉnh so với lượng chữ chê nhiều hơn khen. Ngày đọc lại, mình thấy thẹn với lòng hiện tại, muốn lội ngược thời gian bộp tai chính mình hào phóng quá thể. Kịp xốc lại tinh thần biết quay đầu là bờ, biết đâu hay đâu dở thế “đáng khen” rồi.
Tổng thể cuốn tiểu thuyết, đơn thuần là câu chuyện giết người có tổ chức, âm mưu được lên kế hoạch bài bản (sâu xa hơn, nó đã vượt khỏi cột mốc ngày 8 tháng 4); nhân vật chính là hai con cờ trên trận địa chằng chịt, không đầu dây mối nhợ nào mang tính gợi ý, cứ đi như cơn mộng du lần theo tổ chức/ tội phạm không bằng dấu vết tại hiện trường, mà bằng chiêu bài tâm lí. Động cơ giết người là gì? Đọc tới trang cuối cùng, thiển nghĩ ít nhiều các bạn cũng sẽ giống mình, thốt nên đôi ba tiếng chửi nhè nhẹ cho cái sự oái oăm dở người từ động cơ phạm tội để hắn tạo nên hẳn ma trận đánh đổi sơ sơ bằng 5-6 sinh mạng hãy còn ít.
NHỮNG NGÀY CUỐI THÁNG TƯ, suy cho cùng là sự đối đầu giữa hai bộ óc hoàn hảo, chỉ tiếc rằng hai bộ óc không đứng về một phe: một bên hướng thiện – cái tốt, bên còn lại đầy thủ đoạn rợn người.
Mời các bạn ăn miếng bánh, uống chút nước, cài dây an toàn đội nón bảo hiểm vào, mình bo cua vào khúc chê đây. Đó cũng chính là phần mình mong chờ nhất.
Mượn ít chữ ở bài review cũ chửi mào đầu: Tác phẩm như dịp tác giả phơi bày mớ kiến thức của mình; từ triết học đến văn hóa vùng miền và ẩm thực. Nhân vật tôi (Kiệt) là ngôi sao sáng trên sân khấu gần 350 trang sách mà, người bạn mình hỏi gì Kiệt cũng có thể trả lời, đụng gì cũng lí giải được. Đoạn nhân vật Kiệt uống sữa đậu nành, đăm chiêu nhìn dòng người qua lại; khi bạn mình tò mò thì anh lại thuyết giáo hành trình tuổi thơ cùng những cơ cực và kỉ niệm đáng nhớ. Lướt thêm chục trang, khi Kiệt và Phi ăn phở, tác giả tỉ mỉ ngồi phân tích độ 3 mặt giấy việc phở Nam Định khác phở Hà Nội và phở Hà Nội lại một trời một vực thế nào so với phở trong Sài Gòn; không những thế, tác giả còn cho rằng phở ở nơi quán mình ăn bối cảnh trong truyện thiếu cả loại gia vị nào, nước dùng ra sao……. suy nghĩ tôi lúc đó xuất hiện những từ ngữ rời rạc: Aww, Grrrrr, Móa,…
Trần đời, mình chưa đọc cuốn trinh thám nào dẫn dắt dở tệ như truyện này. Theo mình, truyện trinh thám viết theo ngôi thứ nhất (xưng tôi) đã là một sự hạn chế về điểm nhìn; đằng này, nhân vật tôi (Kiệt) mở đầu câu chuyện không thể nào dở hơn, mình tưởng tượng bản thân đang lạc vào lớp Triết học vỡ lòng: “Tôi đặt bút viết và hồi tưởng lại sự kiện đã xảy ra cách đây một tháng, như mới ngày hôm qua. Gần gũi. Đó là câu chuyện dài về cuộc đời của một con người với tất cả lòng trắc ẩn bị tiêu diệt, và tôi có thể viết gì về câu chuyện do chính mình trải qua? Lóe lên đầu tôi là hai thứ: tri thức và đạo đức. […] Và câu chuyện mà tôi sắp kể cho bạn, là câu chuyện khiến tôi rung động nhiều nhất về con người, nó cho tôi những nhận thức mới về hành vi của cái ác […]” Cứ thế, tác giả tàng tàng vừa “mở van” kiến thức từ các cuốn sách mình đã đọc trải lênh láng trên trang giấy, vừa dẫn đọc giả chầm chậm tiến vào “hành trình phá án” bằng bộ óc siêu phàm của mình.
Bộ óc “siêu phàm” của chàng thanh niên tên Kiệt độ 25 tuổi mình không biết diễn tả thế nào: âm nhạc, hội họa, văn chương, tôn giáo, hóa học, vật lí, toán học, thiên văn, thần học, tâm lí học,… anh cân đủ hầu hết các bộ môn tồn tại trên cõi đời; đọc được tiếng Hebrew cổ, tiếng Shanskrit,…; giải được bí mật non 20 năm,… “Ngôi sao Kiệt” không tỏa sáng lẻ loi, còn có bạn anh – “ngôi sao Phi” nhiệm mầu không kém, thậm chí thua anh xíu xiu để gọi là sợ phải ngang tài ngang sức, nghệ thuật đòn bẩy dùng Phi tôn Kiệt lên hàng “Đấng”. Thiếu điều sau khi Kiệt chết đi, thiên hạ phải tính chuyện ngâm bộ óc anh rồi chia nhỏ ra nghiên cứu như bộ óc ngài Einstein năm nào…
Kiệt lắm chuyện vô bờ. Bằng chứng việc lắm chuyện, thích thuyết giáo, tự tin thái quá vào kiến thức lẫn sự phán đoán của mình mà Kiệt vô tình đẩy vụ án trì trệ, gây nhiều cái chết oan mạng mang tính thức tỉnh đánh tới tấp vào vẻ háo thắng, dương dương tự đắc của anh khi đưa ra vấn đề lẫn giải quyết vấn đề.
Kiệt siêu lắm! Có lẽ đây là cuốn truyện viết về siêu nhân hơn con người có thật ngoài đời. Đơn cử Kiệt hỏi ai đấy và câu trả lời từ họ không phải điều Kiệt muốn nghe, mà đợi họ hé ít câu, Kiệt nhảy vào nói, họ sẽ ngạc nhiên sao anh biết được, anh tài quá,… Họ trố mắt trố miệng nhìn Kiệt không ngừng xuýt xoa thán phục.
Suy cho cùng, cuốn này có vạch ra soi rồi chê cả ngày cũng chưa chắc hết ý chê.
Điểm: 5 điểm (quá hào phóng).