Cuốn sách CHUYỆN TÌNH CỦA NÚI không quá dày này mới ra chưa lâu. Sách là bút kí của tác giả viết về văn hóa, con người, phong tục, cảnh đẹp của Hoàng Su Phì, Hà Giang. Nói thêm là Hoàng Su Phì thì không nằm gần Đồng Văn nổi tiếng đâu. Vùng này là một huyện biên giới ở gần phía Lào Cai hơn. Hoàng Su Phì thì rất nổi tiếng với ruộng bậc thang đẹp, có khi còn đẹp hơn Mù Cang Chải, Sa Pa nữa. Theo như sách viết thì chủ yếu ở đây có người Dao, Nùng, Tày, Hmong.
Với cái bìa có hình ruộng bậc thang thì ngay từ đầu sách đã là một bài viết dài về ruộng bậc thang và trải nghiệm của tác giả ở cánh đồng lúa. Sau đó là mô tả rất chi tiết về cách người ta làm bậc ra sao, cách đổ nước, cảnh cày cấy. Tiếp đó là điểm qua một số vùng có ruộng đẹp nhất như là Bản Phùng, Bản Luốc… Có một chi tiết thú vị được kể là ở đó người dân thả cá chép vào ruộng, đến mùa lúa chín tháo nước thì cũng bắt cá đem bán hay đem ăn. Trong sách cũng có ảnh ruộng bậc thang cũng hùng vĩ.
Từ đó thì sách nối sang ý nghĩa của lúa với người Hoàng Su Phì, vì có lễ cúng Cơm mới của người Nùng sau khi thu hoạch, rồi là dùng gạo mình trồng làm bánh giày Tết của người Dao. Nói chung đọc sẽ thấy cách làm lúa và văn hóa với lúa gạo của các dân tộc trên ấy khá khác và lạ với người miền xuôi như mình.
Rất nhiều phần trong sách là viết về phong tục, tập quán, nét văn hóa con người dân tộc. Sách mô tả rất chi tiết từng quy trình làm lễ Cấp sắc, tức là lễ trưởng thành cho thanh niên người Dao Áo Dài. Đọc mà ngẫm lại nếu dưới xuôi cũng làm lễ đó thì phải tốn kém lắm. Mình thì thích chương viết về nghề làm chạm bạc của người Nùng, vì nhờ đó mới biết nữ trang bạc của họ cầu kì tinh xảo làm ra như thế nào. Sau đó chuyện là về nghề trồng chè shan tuyết, cả nhưng cây chè cổ thụ 600 năm tuổi mà vẫn xanh tốt nữa. Nghề làm giấy rơm người Dao thì đơn giản nhưng dần thất truyền vì người ta đi mua giấy ngoài chợ hết rồi.
Một điều khá thú vị là ngoài rất nhiều chi tiết kiểu phóng sự, kí sự thì là một số chuyện dạng trải nghiệm du lịch, leo núi. Chuyện đoàn leo núi của tác giả bị lạc đường trên núi Tây Côn Lĩnh tuy hơi đáng sợ nhưng cũng khá dễ thương. Xem ảnh sẽ thấy rừng cổ thụ rất đẹp, nhưng không ngờ lại rậm rạp đến thế. Nên khi thoát được khỏi lạc đường thì cảm giác vui lây cho nhân vật. Ngoài ra còn có chuyện chuyến đi núi Chiêu Lầu Thi săn mây hụt mà hứng mưa bão.
Nhìn chung sách dễ đọc và đọc nhanh. Nhất là với ai yêu văn hóa, cảnh vật dân tộc, miền núi. Kể cả không như thế thì dân du lịch cũng đọc được, và dân nhiếp ảnh gia nữa. Cuốn này có thể coi là cùng một thể loại với “Thương nhớ Đồng Văn” của Thủy Trần.