Umberto Eco là một tác giả người Ý, một văn hào, một nhà thần học, ký tượng học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và là một triết gia nổi tiếng.
Cần phải nói ngay từ đầu, bản dịch của cuốn tiểu thuyết này là một cố gắng đáng khâm phục của cá nhân dịch giả Lê Chu Cầu. Như ông có ghi lời ngỏ ở đầu cuốn sách, bản dịch được dịch từ bản tiếng Anh, nhưng dịch giả phải lần mò đối chiếu từng dòng một qua bản gốc tiếng Ý và một bản chuyển ngữ nữa từ tiếng Đức. Có nghĩa rằng, nội việc ngồi chú thích điển tích Kinh thánh, Phúc âm và diễn giải các nhân vật lớn thuộc hàng danh nhân Cơ đốc trong thời Trung cổ ở Châu Âu, vâng, chỉ mỗi việc ngồi làm hẳn 300 chú giải thôi cũng là một thành tựu lớn.
Tại sao dịch giả lại quan trọng? Nếu bản dịch không tốt, bạn sẽ không hiểu một câu nào trong cuốn tiểu thuyết khó đọc này. Đúng, một câu cũng không hiểu, kể cả những đoạn hội thoại căn bản nhất của các thầy dòng hay các chủng sinh trong bối cảnh câu chuyện.
Cuốn tiểu thuyết này thuộc loại fiction, hư cấu hoàn toàn, nhưng nó dựa vào hầu hết dữ kiện có thật trong lịch sử Châu Âu, bối cảnh được xây dựng chính là vào thế kỷ 13-14, ngay khi Châu Âu đang ở trong thời kỳ Trung cổ khét tiếng trong các trang sách sử.
Nội dung và bối cảnh chính của cuốn tiểu thuyết là một vụ án mạng giết người theo tuần tự như trong sách Khải huyền, trong một tu viện thuộc dòng Dominic ở miền Trung nước Ý. Nhưng đây không phải là một cuốn sách trinh thám thuần tuý, mà yếu tố trinh thám chỉ là cách mà tác giả dẫn dắt người đọc vào chủ đề chính: tranh chấp giữa các thế lực trong giáo hội, giữa Giáo triều và hoàng đế thế tục, giữa các dòng tu và ý thức hệ thần học.
Lý thuyết Thần học rất nhiều và rất nặng về lịch sử Công giáo. Cuốn sách trải rộng ở nhiều chủ đề tranh cãi đương thời, thậm chí từ yếu tố nhỏ nhặt nhất là tiếng cười của Chúa Jesus cho đến các tranh cãi về việc Chúa và các Tông đồ của Ngài có từng sở hữu tài sản hay không?! Toàn là vấn đề lớn ở mức chết người vào thời điểm mà Giáo hội độc đoán về tư tưởng, duy ý chí và bảo thủ một cách cực đoan nhất. Thậm chí chỉ một tiếng cười không đúng chỗ, cũng đủ để đưa một người lên giàn hỏa của toà án dị giáo.
Tác giả đặt nhân vật chính vào một thời kỳ rất hay và khiến cho độc giả rất tò mò: Châu Âu ở vào sau thời đại ly giáo lần thứ nhất (chia tách giữa Công giáo La Mã và Chính thống giáo Đông Phương vào thế kỷ 11), và chuẩn bị bước vào các cuộc ly giáo kế tiếp: Vương triều Ăng-lê tự tách mình khỏi Vatican và kiến lập nên Anh giáo, sau đó là dòng Kháng cách (Tin Lành) vào thế kỷ 15-16.
Phải nói là ngồn ngộn các dữ kiện lịch sử, chưa kể đến lý thuyết Thần học và các biện luận dông dài hàng chục trang sách liên tục về tà giáo, sách cấm, sự kiêu căng độc đoán của các giáo phụ muốn giữ rịt lấy thông tin và kiến thức, sự thâu gom quyền lực giữa các dòng tu khổ hạnh Francisco và dòng tu “quý tộc” Dominic, giữa Giáo hoàng và Hoàng đế Đức….
Nói chung, mình rất mừng khi tới được trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết này. Có lúc ngán đến mức muốn quăng ngang nó chuyển sang đọc Keigo cho nhẹ đầu, tuy vậy, đến đoạn mà nhân vật chính, thầy William đối diện với tên thủ ác ngay giữa thư viện, mình đã sướng phát run, vì cái kết của trò giết người hay quá.
Dù sao nó cũng không đáng sợ mấy, trừ những đoạn mô tả các giấc mộng về Bữa tiệc của Thánh Cyprian chẳng hạn, quá mệt mỏi