Mình tò mò về Olalla rất tình cờ, khi thấy chiếc bìa rất… ấn tượng của nhà Wings/Kim Đồng. Ra mắt chung đợt với hàng loạt các tác phẩm cùng chung bầu không khí ma quái và đen tối như Chuyện ma ám ở dinh thự Hill, Chuyện ma ám ở trang viên Bly hay Olivia và Frankenstein… đây là tác phẩm mà theo mình đánh giá, đã thuộc hàng classic và rât đặc biệt. Quan trọng hơn nữa tác giả của nó là Robert Louis Stevenson – người vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam, và cũng là lần đầu được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Đọc vô thì mình… vô cùng bất ngờ. Là một nhà văn người Scotland, thế nhưng ông viết Olalla “Latin” một cách không ngờ. Đọc cuốn này chắc hẳn các bạn sẽ gặp lại những tinh tú của văn chương hiện thực – kỳ ảo, như Juan Rulfo, như Isabel Allende, như Garcia Marquez, như Carlos Fuentes… và còn nhiều nhiều nữa. Là người sinh trước những nhà văn trên rất lâu, có thể nói là hơn nửa thế kỷ, thế nhưng Olalla dường như mang đủ màu sắc của các yếu tố làm nên nét đặc trưng này, với sự mất kết nối, sự huyền ảo cũng như những đặc trưng gothic rất đặc biệt.
Tác phẩm kể về một anh lính bị thương trong chiến tranh, và đang tĩnh dưỡng ở Tây Ban Nha. Cần không khí trong lành, vị bác sỹ cũng như người linh mục gợi ý anh đến trú ở một gia sản thời trước từng rất giàu có, nhưng nay đã khánh kiệt. Trong tòa thành rộng lớn này, anh đã chứng kiến những sự việc kì lạ, và cuối cùng là rơi vào lưới tình với Olalla – chị gái của Filipe, người tháp tùng anh, và là cô con gái cuối cùng của dòng tộc nọ. Tình yêu của họ nảy nở, sản sinh; nhưng rốt cuộc lại vụt tắt bởi nhẽ những mối quan hệ cận huyết đã nằm trong gen, và việc cho ra tiếp theo một đàn con khác là khó chấp nhận.
Trong bài viết này mình sẽ nói rõ vào tính gothic mà Stevenson đã tạo ra được. Đầu tiên, xét về bối cảnh, tòa thành nơi anh lính gặp gỡ Olalla được mô tả như là có “cửa vòm lớn, thiết kế theo kiến trúc kiểu Moor”, “cánh cửa khảm đinh sắt”, “lối đi nhỏ”, “khoảng sân lớn”, “cầu thang đá”… hay các bức chân dung treo lên tường. Ngay từ ban đầu, Stevenson đã tạo ra bối cảnh có phần… ma quái dẫn dụ người đọc, và chỉ cần tưởng tượng những gì diễn ra trong đó với ánh nến cũng có thể khiến bất cứ ai yếu bóng vía có thể sởn da gà.
Ngoài bối cảnh, âm thanh cũng là thứ mà ông chú ý mô tả. Một vài đêm khuya trong ánh vàng vọt, tiếng thét của loài thú đói và cơn gió điên vang khắp thung lũng và trên tòa tháp. Tiếng thét như một biểu trưng cao độ của sự cưỡng bức, và cơn gió điên, nếu ai từng đọc Marquez thì cũng sẽ thấy rằng ông từng dùng hình tượng này rất nhiều lần trong văn chương của mình. Tưởng như vô ảnh vô thanh, nhưng nó lại gây e sợ một cách không ngờ.
Các nhân vật ông tạo ra cũng thế. Filipe là một cậu thanh niên kì lạ, có khi hát ca bình dị, nhưng cũng đôi khi cục súc và trầm lắng. Như Stevenson nói, cậu có thể là một sản phẩm cận huyết nên tính khù khờ là điều dễ hiểu. Thế nhưng người mẹ với tình trạng lơ đờ bên túp liều ở khoảnh sân lớn, mới là thứ nâng cấp nỗi sợ. Bà ta khi thì chần chừ, thiếp ngủ; nhưng cũng có khi vùng dậy cắn nát da thịt, gây nên tiếng thét vang động núi rừng giữa đêm khuya vắng. Không màng đến cái ảo ảnh vô thanh của nhân vật Olalla rất tương đồng với Nàng Aura của Fuentes, thì chỉ hai người ấy thôi cũng khiến ta chợt… rùng mình.

Ngoài ra, những hình tượng cũng đặc biệt không kém đã được gài cắm tuy vô tình nhưng có chủ ý như cây thánh giá trên mộ đất cao, hay những bí mật mà người linh mục cố giấu… Những thứ này đôi khi làm mình liên tưởng đến những mưu đồ của thời trung cổ, một kiểu ánh sáng hạ thấp của sân khấu đang diễn Shakespeare, với những bi kịch lụy tình, với những cái chết tình cờ, cũng như sự vô nghĩa trong một thế giới rộng lớn. Đó cũng có thể là Antigone với sự bừng dậy của Nàng, phản kháng vị vua để được chôn cất anh mình – cũng là tình nhân. Trong bầu không khí đặc quánh ấy, Stevenson không chỉ cho thấy câu chuyện của riêng mình, mà đó còn là những bi kịch khác, gần gũi, sáng rõ.
Nhìn chung, Olalla khiến mình bất ngờ vì… độ hay của nó. Mình không nghĩ Stevenson lại sáng tạo được một câu chuyện vi diệu như thế, địa phương như thế; tuy là ở Tây Ban Nha, nhưng rồi sau này sẽ lan khắp mảnh đất mà chính nơi đây áp đặt thuộc địa. Rất kinh dị, rất gothic và rất creepy… những ai thích văn Latin cũng như kinh dị rất nên thử qua, và chắc chắn là các bạn sẽ không hối hận.