Một đại danh tác của văn hào Nga Dostoyevski, cũng là một trong các tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cả cuốn sách là một cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật chính, cũng có thể là những day dứt tâm sự của chính tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ông là bậc thầy tâm lí dù là nhà văn.
Nội dung cuốn sách xoay quanh chàng sinh viên luật nghèo Raskolnikov. Do hoàn cảnh gia đình mà phải bỏ học và luôn không có đủ tiền ăn và tiền đóng trọ mỗi tháng. Bần cùng không lối thoát anh đã phạm tội, đơn giản là bước đường cùng trong đầu chỉ nghĩ tới tiền. Một vụ mưu sát cướp tài sản được anh lên kế hoạch, giết chết mụ già chủ cửa hàng cầm đồ mà anh cho rằng thứ trùng kí sinh trong con người không có máu và nước mắt. Do một sự cố hi hữu khi em gái nạn nhân Lizaveta trở về ngay lúc mưu sát, anh đã thủ tiêu luôn bà ta và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Và sau đó là cả những quãng ngày sống không bằng chết của anh, bởi lẽ tội ác luôn đi liền với trừng phạt. Raskolnikov trở thành một cái thây xác sống bị dày vò về mặt tâm lí và tinh thần. Anh đã luôn sống trong bóng tối từ cái ngày gây ra tội ác giết người ghê tởm cho tới khi anh gặp được một cô gái tên Sonya do hoàn cảnh gia đình mà vô tình thành gái làng chơi. Ánh sáng có lẽ bắt đầu quay trở lại khi tình yêu với sự quan tâm cho anh thêm động lực và dũng khí đối mặt với hiện thực và tội ác anh gây ra. Có lẽ luôn cần một ai đó ở bên, phía sau người đàn ông luôn cần bóng hình người phụ nữ. Raskolnikov sau đó đã quyết định chấm dứt những năm tháng bị giam cầm trong tinh thần bởi lẻ anh biết rằng đó là lối thoát duy nhất.
Cả cuốn sách là những diễn biến tâm lí nhân vật được nhà tâm lí học Dostoyevski dựng lên. Cuốn sách dù không phải thiên về mảng trinh thám và có thể sẽ khó đọc với một số độc giả, nhưng phần xây dựng và khắc họa tâm lí là không thể bỏ qua. Nhân vật Porfiry trong tác phẩm được ông dựng lên như một siêu thám tử đọc tâm lí và nhìn thấu tội phạm qua các biểu hiện của nét mặt và hành động. Cuốn sách cũng nói tới các mảng sống khổ sở như Sonya vì gia đình mà trở thành thứ đàn bà hư hỏng của xã hội, hay như em gái Dunya của nhân vật chính cũng vì đồng tiền mà chấp nhận một cuộc hôn nhân không mong muốn. Những mảnh đời bất hạnh do đồng tiền qui tụ hết vào một cuốn sách nhưng tất cả đều có cái giá. Tội ác sẽ luôn đi liền với hình phạt dù có là về thể xác hay tinh thần. Tâm lí bất ổn và tuyển trong hoàn cảnh mà một người lương thiện hoàn toàn có thể thành một con ác quỷ mà mất hết nhân tính, đó là cách Dostoyevski khắc hoạ trong tác phẩm.
Có lẽ riêng nhà văn muốn vẽ lên một bức tranh về những con người túng quẫn tới bước đường cùng lên làm liều. Vậy nhưnh tiểu thuyết thường là một nét của cuộc đời, có lẽ Dostoyevski muốn gửi gắm nỗi niềm riêng cũng như đưa một phần đời mình vào những đứa con tinh thần. Bằng thủ pháp viết đan xen tâm lí, văn hào Nga đã đưa chúng ta tới sâu hơn những khía cạnh trong tâm hồn con người. Bậc thầy tâm lí ở đây có lẽ muốn chúng ta có cái nhìn khách quan và công bằng với tất cả, từ nguyên nhân dẫn tới tội lỗi cho tới hậu quả của nó. Với những ai chuyên ngành tâm lí thì đây quả là một sự kết hợp toàn mĩ giữa văn học và bộ môn chuyên ngành của họ. Còn với độc giả mê trinh thám thì có lẽ đây cũng sẽ tạo cho họ một cuộc đấu trí giữa nội tâm nhân vật. Hãy tận hưởng tới trang cuối và luôn cẩn thận với những điều bạn ước bởi cái gì cũng có giá của nó cả.