va khi tro bui doan minh phuong
Quyển sách khép lại, bồng bềnh quanh ta là một màn sương mờ của một không gian không không gian, thời gian không thời gian, người không người, tôi không tôi, chỉ còn tro bụi và tro bụi. Một dòng tâm trạng liền mạch, mà biết bao vụn vỡ. Những lời tâm sự rất thật, mà ngỡ như là những phút tự huyễn mơ hồ. Nhân vật chính, An Mi, có thể gợi cho ta vấn đề khủng hoảng căn cước cúa những kẻ thiếu quê hương. Nhưng sự khủng hoảng ấy chìm sâu đến vô cùng. Nổi lên hết, thứ mà ta nhìn thấy xuyên suốt cuốn sách cho đến những trang gần cuối, là khủng hoảng của một con người không biết CÁ NHÂN mình là ai, một con người không ngừng hoài nghi và cứ thế đi tìm trong màn sương vô tận, sự tồn tại của chính mình.
“Chồng tôi mất vì xe rơi xuống núi, ở một đoạn đèo, trong một đám sương mù, khoảng 5 giờ một chiều tháng 11. Anh ấy đi đâu qua đoạn đường ấy vào ngày ấy, giờ ấy, không một ai biết. Anh không có công việc gì cần làm hoặc người quen ở vùng con đường ấy dẫn tới. Tôi không hoàn toàn hiểu cái chết của anh”.
va khi tro bui doan minh phuong
“Và khi tro bụi” mở đầu như thế, với một cái chết bất khả tri. Cái chết ấy đẩy An Mi vào vực thẳm chênh vênh giữa sự sống và sự chết, chỉ để thấy sự sống cũng bất khả tri như sự chết. Thế giới lướt qua mắt cô cũng như những toa xe lửa chạy và chạy, không điểm đến, không một sự đợi chờ nào ở đầu bên kia. Và trong cô, không sự sống, không sự chết. Tìm sự chết, với cô, cũng là tìm sự sống. Nhưng sự sống ở đâu? Nó không ở đây. Không ở trong một câu chuyện nhặt bên đường mà cô tự vận vào cuộc đời mình, nơi tất cả mọi người như thà sống trong ảo vọng còn hơn đối diện với sự thật, không làm những gì họ đáng ra phải làm, không đau những nỗi đau họ đáng ra phải đau. Không ở trong chính cô, con người cũng chọn lãng quên thay vì đau đớn, để rồi khi ngoái đầu lại chỉ còn những mảnh vụn đầy bóng tối – cô đã vĩnh viễn không còn “dính” lại được với cuộc đời và với chính mình. “Những nốt nhạc và những con người không có ý nghĩa. Ý nghĩa nằm ở giữa chúng, ở giữa họ”. Cha nuôi của An Mi – có lẽ là người đầu tiên trong cuộc đời cô rơi vào cái chết bất khả tri, đã để lại câu nói ấy. Cuốn tiểu thuyết này, suy cho cùng, cũng chỉ xoay quanh vấn đề đó – sự gắn kết giữa con người với con người. Những mối quan hệ chắp vá sẽ mãi mãi là chắp vá, dù ta đặt cho nó một cái tên mĩ miều nào đi nữa: cảm thông, trách nhiệm hay thậm chí, tình yêu. Mỗi người đều có một cuộc đời để sống. Dứt mình khỏi những mối dây của cuộc đời ấy là hẫng hụt, là vụn vỡ, là chung thân phải mang lấy bản án lạc loài giữa đường biên sống – chết, là không trọng lượng, không màu sắc, không ý nghĩa: tro bụi mãi mãi chỉ còn là tro bụi mà thôi.
“Có lẽ cái chết không có màu hồng hay màu tím phôi pha nhạt nhòa của một giấc chiêm bao, mà là màu đen tuyệt đối của sự vùi lấp tuyệt đối. Hoặc là nó có màu trắng tuyệt đối của sự mất mát tuyệt đối”. Trong cuốn sách này, nhiều người đã tự sát. Và cuối cùng, An Mi cũng vậy. Những người như cô rất gần gũi với hư vô: bản thể của họ đã khuất sâu vào vô thức đến độ họ không còn cảm thấy nó được nữa – cứ như thể nó không có thật. Cái chết với họ, suy cho cùng, cũng chỉ là một sự giải thoát cho nỗi hư vô của cái sống. An Mi từng nói cô chỉ muốn chết một cách thanh thản. Nhưng cô chết không thanh thản. Trang sách cuối cùng khép lại trong tiếng nấc tuyệt vọng hướng về phía sự sống của một con người đã quyết định từ bỏ cuộc sống, và không bao giờ còn rút lại quyết định ấy được nữa. Mỉa mai thay, cuộc đời của cô đã trở về bên cô – cả quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng rồi lại bỏ rơi cô trong lúc cô cần nó nhất. Cũng hệt như cách cô đã từng bỏ rơi nó. Suốt đời.
An Mi là cái bình chứa nỗi hoài vọng, mà âm nhạc, mà Anita chỉ là những hồi quang khác nhau của nỗi hoài vọng ấy. Một nỗi hoài vọng quá khứ. Một nỗi hoài vọng sự sống. Nó không thực và đẹp như điệu buồn trải dài khắp các kiếp người. Nỗi hoài vọng không địa chỉ ấy rũ buồn như mùa đông, nhập nhoạng như mùa đông, và tàn lụi như những mùa đông nối nhau trên trang sách, từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. Vô tận.